3 trường đại học bị đình chỉ tuyển sinh
ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ thông tin TP HCM vừa bị Bộ GD&ĐT đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do không thực hiện đúng cam kết thành lập trường. > Kiến nghị giải thể trường đại học kém chất lượng/ Hàng loạt ngành học tạm ngưng đào tạo Ngày 30/12, Bộ GD&ĐT công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học, cao đẳng của 24 trường. Kết quả cho thấy đa số trường vi phạm cam kết, thậm chí có trường còn chưa định hình được hướng phát triển như ĐH Hà Hoa Tiên. Chưa có đất xây trường, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu lại quá cao, ĐH Văn Hiến và ĐH Đông Đô bị Bộ Giáo dục đình chỉ tuyển sinh trong năm 2012. Ngoài ra, CĐ Công nghệ thông tin TP HCM cũng bị đình chỉ vì diện tích đất quá nhỏ không đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá tải khi chỉ với 76 giảng viên nhưng sinh viên lên tới hơn 6.400. Bộ Giáo dục yêu cầu những trường này cần khắc phục yếu kém theo tiêu chuẩn đề ra. Nếu đến năm 2013 vẫn không khắc phục được thì có thể bị đình chỉ hoạt động giáo dục. Năm 2012, ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ thông tin TP HCM bị đình chỉ tuyển sinh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. Ngoài ra, 4 đại học khác bị đình chỉ tuyển sinh 12 ngành học do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ (một số ngành còn có tỷ lệ sinh viên trên giáo viên cơ hữu quá cao). Cụ thể, ĐH Chu Văn An bị đình chỉ tuyển sinh 4 ngành gồm Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, tiếng Trung và Việt Nam học; ĐH Lương Thế Vinh bị đình chỉ 4 ngành là Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện, ĐH Nguyễn Trãi và Kiến trúc Đà Nẵng bị đình chỉ 2 ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh. Đến năm 2013, nếu các ngành nêu trên vẫn không khắc phục được thì Bộ sẽ xem xét thu hồi quyết định mở ngành đào tạo các ngành này. Trong 24 trường được kiểm tra, có một số chưa xây dựng được cơ sở độc lập, trong đó ba trường chưa có đất là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi. Ba trường này đã nhận được văn bản cảnh cáo của Bộ Giáo dục. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng giải thể trường. Ba trường khác có diện tích dưới một ha là CĐ Công nghệ thông tin TP HCM, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu và ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn có đất nhưng chưa có trường, nếu đến năm 2013 vẫn chưa xây dựng được sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Mặt khác, nhiều đại học cũng không đủ giáo viên cơ hữu, trong đó 10 trường có dưới 100 người, 3 trường chưa đến 60 người (ĐH Nguyễn Trãi: 55, ĐH Văn Hiến: 52 và ĐH Hà Hoa Tiên: 59). Nhiều trường khác tỷ lệ sinh viên trên giảng viên vượt mức cho phép nhiều lần. Một thực tế đang diễn ra là một số trường công lập tuyển sinh vượt quá quy mô cam kết như ĐH Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) vượt 126% cam kết, ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh tất cả các hệ trong khi một số trường tư thục lại có xu hướng giảm số lượng tuyển sinh. Đặc biệt là ĐH Hòa Bình, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hà Hoa Tiên (chỉ đạt 4,2% cam kết). 4 cơ sở liên kết đào tạo sai quy định cũng bị Bộ tuýt còi. Đó là Viện Kế toán quản trị doanh nghiệp, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH ILA Việt Nam và Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế RAFFLES Việt Nam. Bộ Giáo dục đề nghị các cơ sở này chấm dứt hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học. Đồng thời, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xem xét, không công nhận các văn bằng của các cơ sở đào tạo này. Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, ngoài việc đình chỉ tuyển sinh các trường và ngành nêu trên, một số ngành cũng bị cắt giảm chỉ tiêu do không đảm bảo tỷ lệ sinh viên trên giáo viên cơ hữu. Việc thanh tra cũng sẽ được Bộ tiếp tục thực hiện tại tất cả các đại học, cao đẳng trên cả nước. Những trường không đảm bảo cam kết sẽ bị xử lý. Hoàng Thùy