Từ khi chuyển tới thành phố này, mỗi buổi chiều, Tâm đều nhìn thấy một cô bé đi ngang qua nhà. Mái tóc ngắn lơ thơ, gương mặt xanh xao của cô bé đã khiến cho Tâm phải chú ý. Nhiều lần Tâm cố nghĩ ra cách làm quen với cô bé, nhưng không hiểu vì sao Tâm cứ chần chừ.
Rồi một hôm, Tâm đã tìm thấy cơ hội để làm quen với cô bé. Buổi chiều ấy hình như nắng đẹp hơn mọi ngày. Không phải từ một câu nói xã giao bình thường mà tất cả bắt đầu từ một chiếc lá vàng. Đó là lúc cô bé dừng lại bên cạnh hàng rào lốm đốm hoa dâm bụt đỏ chói.
- Chú ơi, cho bé xin chiếc lá vàng vừa mới rụng nớ hỉ!
Giọng Huế ngọt ngào của cô bé lọt qua hàng rào thưa, Tâm nghe là lạ. Tâm ngạc nhiên, nhưng cũng cuối xuống nhặt chiếc lá vàng thử xem có cái gì đã hấp dẫn cô bé. Chỉ là một chiếc lá bàng to bằng bàn tay người lớn, nửa vàng, nửa đỏ sẫm. Tự nhiên Tâm muốn mời cô bé vào nhà, nhưng cô bé lắc đầu:
- Không, Mẹ dặn bé không được vô nhà người lạ.
- Vậy thì chúng ta làm quen với nhau được không?
- Được.
- Bé muốn chúng ta làm quen với nhau bằng cách nào ?
- Bé không biết.
- Ngoéo tay được không?
- Dạ.
- Vậy thì bé đưa ngón tay út ra để ngoéo ngón tay anh.
Thế là qua cái hàng rào dâm bụt, hai ngón tay út của hai người ngoéo nhau. Cả hai cùng cười.
Tâm nói: - Bây giờ chúng ta không còn xa lạ nữa. Anh là Tâm, còn bé là...
- Là Oanh.
Đến lúc ấy, Tâm mới chịu trao chiếc lá vàng cho cô bé. Tâm không quên nói thêm:
- Đây là nhà chú anh. Bé xem có bao nhiêu là cây ăn quả, lại còn nhiều hoa đẹp nữa. Bé chịu khó đứng đợi anh chút xíu, anh sẽ hái cho bé mấy quả táo đầu mùa.
- Không, bé không được ăn táo.
- Cốc được không, vừa ngọt vừa chua thích lắm.
- Không.
- Mận được không?
- Xạo, mùa ni làm chi có mận.
Tâm nghĩ thầm "cô bé khôn ngoan đáo để". Cầm chiếc lá bằng hai ngón tay, cô bé chào Tâm và bước đi.
- Bé về nghe.
- Anh đưa bé đi một đoạn đường được không?
- Không.
- Chúng ta là bạn với nhau rồi mà!
- Thì bé có nói chi mô.
Lúc bấy giờ, chiều đã nhuộm vàng, gió lao xao trong vườn cây.
Khung cảnh thiên nhiên im ắng.
- Anh sợ bé đi một mình sẽ buồn.
- Không buồn mô, đã có chiếc lá đi cùng bé rồi. Thôi chào chú.
Cô bé dớm chân. Tự nhiên Tâm thấy hoảng hốt. Bất cứ giá nào Tâm cũng phải giữ chân cô bé thêm chút xíu nữa:
- Ê cô bé, chúng ta đã là bạn rồi, bé đừng gọi anh là chú nữa nghe.
- Rứa gọi bằng chi ?
- "Chi chi" cũng được.
- Bằng "ông" được không?
Cô bé có vẻ "quậy" khiến Tâm kêu lên:
- Ê không được gọi anh bằng "ông".
- Rứa thì chú đừng vội. Rồi chú sẽ có tên mới. Lần ni quá bất ngờ, bé chưa nghĩ ra.
Lần thứ hai, Tâm gặp lại cô bé ở công viên bên này dòng sông. Vẫn mái tóc cắt ngắn, vẫn cái dáng gầy gầy, vẫn khuôn mặt xanh xao:
- Chào chú "nhóc".
- Ê, đừng thêm từ "nhóc" cho anh, nhớ chưa ?
Cô bé nheo nheo mắt:
- Nhớ.
- Nhớ gì ?
- Nhớ mấy trái mận của chú không biết đến chừ đã chín chưa ?
Tâm cười cười:
- Thôi xếp lại chuyện mận với đào đi.
- Với một điều kiện.
- Kiện với thưa gì nữa đó ?
- Chú phải là chú "nhóc".
Tự nhiên Tâm thấy phải chiều theo ý cô-bé-ngồ-ngộ:
- Đồng ý một nửa. Nếu thích cô bé cứ gọi anh là anh "nhóc" cũng được.
- Có tên mới rồi thì phải "khao" chứ ?
- Đồng ý một trăm lẻ một phần trăm.
Trong cái quán nhỏ dựng sơ bên sông hai anh em lại có dịp ngồi trước những hũ da-ua vừa chua vừa ngọt. Tâm nhìn vào mắt cô bé:
- Có một điều anh chưa hiểu, anh muốn nói về chiếc lá vàng hôm trước đó mà.
- Lá vàng rụng nhiều tức là... là mùa thu đã về. Rứa mà anh Nhóc cũng không hiểu.
- Hiểu thì hiểu, nhưng anh không hiểu bé nhặt lá để làm gì ?
- Để chơi, chứ còn để làm chi nữa.
Tâm kêu lên:
- Trời ơi, đúng là con nít.
Cô bé cũng kêu lên:
- Rứa anh Nhóc là "người lớn" đó à ?
- Đúng, so với bé thì anh là người lớn.
- Cũng được, bé cho anh Nhóc làm "người lớn". Rứa "người lớn" có biết chuyện hai con ốc sên đưa đám chiếc lá vàng không rứa ?
Tâm lắc đầu:
- Anh lại chịu thua bé rồi, 2-0. Bé kể cho anh nghe đi.
- Hai con ốc sên thương chiếc lá vàng, cõng chiếc lá vàng đi chôn ở nghĩa địa. Ốc sên đi chậm lắm, "chậm như sên" đó mà. Lúc hai con ốc sên cõng chiếc lá vàng đến nghĩa địa thì mùa xuân cũng đã bắt đầu và chiếc lá vàng cũng bắt đầu xanh lại, sống lại.
Cô bé kết thúc câu chuyện bằng một nụ cười:
- Hay không anh Nhóc ? Chuyện ni bé nghe chị Thủy kể đó.
Tâm xuýt xoa: "Hay thật". Sực nhớ chiếc lá hôm trước, Tâm hỏi:
- Vậy bé có tin chiếc lá vàng hôm nọ sẽ sống lại không?
- Có, biết mô, một ngày kia ...
Tâm nhìn cô bé, cảm nhận được niềm tin trong đôi mắt ấy. Tâm chợt nhớ lại cảnh ngộ hiện tại của mình: phải thi hai năm liền Tâm mới đỗ vào trường đại học Y và cô bé là người bạn nhỏ đầu tiên của Tâm khi Tâm đến Huế trọ học.
Ba năm sau, giữa lúc không ngờ, Tâm nhận được thư cô bé:
Anh Nhóc thân mến!
Mấy năm qua, bé và anh Nhóc đã lạc mất nhau. Gia đình bé chuyển vô Đà Lạt theo lời khuyên của bác sĩ. Bé cứ tưởng không còn có cơ hội gặp lại anh Nhóc nữa. Chính ba mẹ cũng không ngờ chiếc lá vàng là bé đã xanh trở lại. Chị Thủy nói bé đã trở về từ một mùa thu kỳ lạ. Đến chừ, bé có thể trả lời câu hỏi của anh Nhóc ngày xưa: Chiếc lá vàng ngày ấy anh Nhóc trao cho bé đã sống lại, hoàn toàn sống lại ...
TB: Bé đã đặt tên cho con Mèo Mimi của bé là "Nhóc". Từ nay anh không còn là anh Nhóc nữa, chỉ có "anh" thôi. Được không "anh Nhóc" (Ý bé lại quên rồi, xin lỗi "anh" nghe!)
Thư cô bé đến thật bất ngờ cũng như cô bất ngờ biến mất ba năm về trước. Nếu cô bé không phải là cô bé thì Tâm sẽ không bao giờ tin đó là sự thật. Nhưng vì cô bé là cô bé nên Tâm tin chắc rằng đó là Phép Lạ Của Mùa Thu.